CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DOANH NGHIỆP - BÀI 4: CÁC CÔNG NGHỆ - ỨNG DỤNG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ - BIG DATA

 

       CÁC CÔNG NGHỆ - ỨNG DỤNG TRONG 

  CHUYỂN ĐỔI SỐ



Tôi giới thiệu những công nghệ chính trong chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp sẽ tùy vào tình trạng cũng như vấn đề của mình mà ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ vào chiến lược chuyển đổi số của mình.

Tôi sẽ giới thiệu từng công nghệ và một số ứng dụng của nó.

o  Big data

1. Dữ liệu lớn - Big Data là gì?


Dữ liệu lớn - Big Data được sử dụng để mô tả khối lượng khổng lồ của cả dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, lớn đến mức khó có thể xử lý bằng các kỹ thuật truyền thống.

Khái niệm Big Data hiện nay tương đối quen thuộc với chúng ta. Nó đại diện cho số lượng dữ liệu này càng tăng lên và các loại dữ liệu đa dạng khác nhau đang được thu thập.

Khi ngày càng nhiều thông tin trên thế giới được trao đổi online và số hóa, các nhà phân tích có thể bắt đầu sử dụng những thông tin đó làm dữ liệu. Những thứ như mạng xã hội, sách trực tuyến, âm nhạc, video, ... đã làm tăng đáng kể lượng dữ liệu sẵn có để phân tích.

 Mọi thứ hiện nay chúng ta thao tác online đều được lưu trữ và theo dõi như dữ liệu.

 Ví dụ: Đọc sách trên Kindle sẽ sinh ra dữ liệu về việc chúng ta đang đọc sách gì, khi nào chúng ta đọc, chúng ta đọc trong bao lâu. Tương tự, nghe nhạc sẽ sinh ra dữ liệu về việc chúng ta đang nghe thể loại nhạc gì, chúng ta thường nghe khi nào. Điện thoại thông minh liên tục cập nhật dữ liệu về vị trí, tốc độ di chuyển và các ứng dụng đang hoạt động, ...

Do đó, tận dụng và khai thác những dữ liệu này một cách hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều trong các lĩnh vực đời sống.

 Một điều quan trọng chúng ta cần lưu ý, đó là khái niệm Big Data không chỉ là số lượng dữ liệu mà chúng ta đang tạo ra, nó còn bao gồm tất cả các dạng dữ liệu khác nhau: Text, video, lượt khách hàng ra vào, số giao dịch, …

 2. Tính chất của Big Data - Dữ liệu lớn

Big Data là bao gồm 5 tính chất (5Vs) như sau:

 


Khối lượng (Volume): Đúng như tên gọi, khối lượng của Big Data là rất lớn, thậm chí là cực lớn. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, thiết bị di động, mạng xã hội và công nghệ IoT (Internet of Things), khối lượng dữ liệu đang tạo ra tăng đáng kể trong hàng ngày, hàng giờ.

 

Tốc độ (Velocity): Bên cạnh khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ xử lý nhanh là điều kiện thiết yếu. Các ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực Internet, tài chính, ngân hàng, y tế - chăm sóc sức khỏe,… phần lớn dữ liệu lớn được xử lý real-time (thời gian thực). Công nghệ quản lý dữ liệu lớn ngày một tiên tiến cho phép chúng ta xử lý ngay lập tức trước khi lưu trữ vào cơ sở dữ liệu.

 

Đa dạng (Variety): Trước đây, hầu hết dữ liệu có thể được thu thập gọn gàng trong bảng, đó là dữ liệu có cấu trúc. Hiện nay, dữ liệu chủ yếu xuất hiện dưới dạng phi cấu trúc như bài viết trên mạng xã hội, âm thanh, video,… Công nghệ Big Data cho phép liên kết và phân tích đa dạng chủng loại dữ liệu với nhau.

 

Độ chính xác (Veracity): Với sự đa dạng và số lượng lớn, độ chính xác là một trong những tính chất phức tạp nhất của Big Data. Tính chất này đề cập đến việc khai phá chất lượng tập dữ liệu và làm sạch dữ liệu đó một cách hệ thống. Từ đó làm tăng độ tin cậy và chính xác, giúp ích cho việc phân tích. Đây cũng là một bước quan trọng của Big Data.

 

Giá trị thông tin (Value): Giá trị thông tin là tính chất quan trọng nhất của công nghệ Big Data. Ví dụ: Một doanh nghiệp muốn ứng dụng Big Data cho bài toán mô hình hoạt động kinh doanh của mình. Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ những giá trị thông tin hữu ích Big Data có thể mang lại trong việc giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp.

 3. Ứng dụng của Big Data



Big Data làm được gì hay tại sao lại cần đến Big Data chắc hẳn là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Nhìn chung, những lợi ích của Big Data bao gồm:

 

Cắt giảm chi phí: Áp dụng công nghệ phân tích Big Data trên tất cả các quy trình trong tổ chức không chỉ giúp doanh nghiệp tự động loại bỏ sai sót mà còn có thể triển khai các giải pháp nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

 

Tiết kiệm thời gian: Việc tổng hợp, phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, đồng thời có độ trễ nhất định nếu xử lý thủ công. Big Data có khả năng thu thập, xử lý dữ liệu với tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian đáng kể.

 

Tối ưu hóa sản phẩm: Thông qua Big Data, các công ty có thể phân tích được mức giá có lợi nhuận tối đa trong những viễn cảnh kinh doanh khác nhau. Để làm hài lòng khách hàng và thu lại lợi nhuận, các công ty cần có những cải tiến sản phẩm phù hợp theo xu hướng của thị trường. Big Data tạo điều kiện cho họ thực hiện các thay đổi ấy.

 

Hỗ trợ con người đưa ra quyết định: Nhờ vào khả năng khai thác và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, Big Data có thể xác định nhu cầu và dự đoán xu hướng, giúp cho việc đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời.

 

Nhờ những lợi ích trên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đã và đang ứng dụng công nghệ Big Data.

 

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy khi mua sắm trên eBay, Amazon hoặc những sàn thương mại điện tử, chúng sẽ đưa ra những sản phẩm gợi ý tương tự. Ví dụ khi tìm kiếm áo thun, trang web sẽ tự động gợi ý chúng ta quần, phụ kiện liên quan.

 

Từ đâu mà những trang web này có thể đưa ra gợi ý như vậy? Đó là dữ liệu của khách hàng thao tác hàng ngày trên những trang web ấy. Doanh nghiệp khai thác hiệu quả Big Data không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho chính mình mà còn tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng.

 

Ngoài ra, Big Data cũng có thể được ứng dụng bởi các tổ chức, chính phủ trong việc dự đoán tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp hiện tại và tương lai để đầu tư cho những hạng mục đó, cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, thậm chí là ra phương án phòng ngừa trước một dịch bệnh nào đó,...


Đọc đến đây tôi chắc rằng mọi người vẫn còn mơ hồ về Big data, vậy cụ thể các bước để thực hiện như thế nào đối với doanh nghiệp?

Đừng vội - bài sau nhé.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dựa theo nội dung cuốn sách THE DIP - VÙNG TRŨNG của Seth Godin.

16 TUÝP NGƯỜI TRONG TỔ CHỨC

9 MÔ HÌNH CHIẾN LƯỢC CHO DOANH NGHIỆP - BÀI 3: MÔ HÌNH 3 - PHÂN TÍCH SWOT