LƯU BỊ
Đỗ Ngọc Minh
Xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, nhưng lại sống trong hoàn cảnh thiếu điều kiện, phải đan giày để độ nhật. Mang chí lớn khôi phục Hán thất, tính tình hào sảng nhưng khó nắm bắt thái độ, hành xử ra vẻ chuẩn mực, dễ thu hút người đối diện, không lộ rõ mưu lược và chiến lược đặc biệt, điểm mạnh chỉ là thu phục “nhân tâm”.
· Khả năng lãnh đạo: (điểm 3/5)
Theo chủ quan tôi đánh giá điểm của Lưu Bị không cao về khả năng lãnh đạo, nếu chỉ dựa vào đặc điểm thu phục “nhân tâm” thì chưa đủ đánh giá 1 người lãnh đạo giỏi, phải bao gồm cả tầm và tài năng nữa.
Lưu Bị mặc dù có chí lớn, lấy tiêu chí xoay quanh “nhân nghĩa, đạo đức” nhưng theo tôi nhận xét thì đó chỉ là tỏ ra như vậy thôi, chứ trong một số trường hợp lại không thể hiện điều ấy.
Lưu Bị chú trọng đội ngũ xoay quanh nòng cốt là anh em kết nghĩa, cùng với một số tướng thân cận. Không tuyển dụng tràn lan và đa dạng như Tào Tháo, và khả năng sử dụng những nguồn lực tuyệt vời ấy của Lưu Bị cũng bị phần hạn chế, nói lên khả năng lãnh đạo của ông ta chỉ đạt mức độ khá.
· Kiến thức chuyên môn: (điểm 3/5)
Lưu Bị gần như không thể hiện được nhiều vai trò CEO của mình. Trước khi có Khổng Minh thì ông ta chỉ loay hoay làm sao để công ty đừng bị phá sản, đó cũng là điểm không giỏi hoặc là giỏi (theo kiểu ứng phó tức thời), với lực lượng mỏng, tài nguyên ít, lại kém về chiến lược phát triển công ty, CEO Lưu Bị nhiều lần đặt công ty vào tình trạng kiệt quệ, một số lần phải ăn nhờ ở đậu, vay mượn và sống nhờ vào các công ty khác, có khi còn phải sống cộng sinh, có thời gian sống tầm gởi luôn do Lưu Bị thua lổ và sạch máu, phải lấy sức mình để gia công cho công ty khác kiếm cháo qua ngày, chờ ngày khôi phục bệnh tình.
Nên có thể nói về chiến lược dài hạn Lưu Bị không có 1 hướng vạch rõ ràng, chỉ đối phó theo tình huống chiến thuật hiện hành mà thôi.
Nhưng Lưu Bị cũng có tinh thần học hỏi rất tốt, mặc dù nương náu và nguồn lực kém hơn rất nhiều công ty trong thời điểm khủng hoảng “kinh tế” như thế mà vẫn tồn tại thì đó vẫn là điểm mạnh đáng ghi nhận. Ông ta vẫn biết mình yếu và thiếu nên cũng ra sức học hỏi, ra sức chiêu mộ những nhân vật có thể giúp được mình.
Cũng thông cảm ở đời, người ta “phù thịnh chẳng phù suy”, nên phần nhiều những nguồn lực sẽ chảy vào những thế lực mạnh để đầu quân hơn là đầu quân cho công ty vừa nhỏ mà lúc nào cũng trong tình cảnh sắp phá sản.
Một điểm mạnh nữa là Lưu Bị biết PR thân thế là dòng dõi hoàng tộc, đây là chiêu bài để thu hút nguồn lực về phía mình, một phần thuyết “chính danh” cũng được áp dụng.
· Quản lý con người: (điểm 4/5)
Tuy không tuyển dụng ồ ạt nhân lực như của Tào Tháo hay có căn cơ như Tôn Quyền (sẽ phân tích bài Tôn Quyền sau), nhưng Lưu Bị vẫn đem về cho mình nhân lực ngôi sao khủng nhiều nhất trong 3 thế lực.
Mặc dù không trả lương cao như Tào Tháo nhưng Lưu Bị lại mạnh dạn giao quyền cho ở dưới làm, không chuyên quyền và độc đoán như Tào Tháo.
Việc giao quyền sẽ làm cho cấp dưới cảm thấy được tin tưởng và phát triển hết năng lực của mình.
Sự gần gủi của Lưu Bị cũng dễ gần hơn Tào Tháo. Thực tế sẽ có công ty lớn, tập đoàn người làm việc chẳng bao giờ tiếp xúc trực tiếp được với CEO.
Một điểm yếu của Lưu Bị là sử dụng “người thân thích” kém năng lực dẫn đến sự ù lì của hệ thống, thậm chí gây thiệt hại nặng cho công ty. Trong khi Tào Tháo rất hạn chế dùng người thân thích vào các vai trò trọng yếu nếu không có năng lực. Cụ thể trường hợp My Chúc, My Phương là những người hạn chế về năng lực nhưng thuộc bên vợ nên vẫn phục vụ trong công ty, những người này không giúp cho công ty có thể phát triển trong thời gian dài, sử dụng con nuôi là Lưu Phong trong việc chấn giữ ải Hán Trung vốn cực kỳ quan trọng đường vào Thục Hán, để quân Tào tấn công và Lưu Phong chịu hàng, làm công ty tổn thất rất nặng, việc này gián tiếp làm Quang Vũ phải chia 2 lực lượng từ Kinh Châu cự với Tào Tháo, dẫn đến cái thất bại của Quang Vũ sau này khi trúng mưu kế của Lã Mông.
Trong kinh doanh theo tôi không nên sử dụng người thân trong gia đình nếu kém năng lực và tính tình không đảm bảo cho việc vận hành công ty, đến khi sự việc xảy ra sẽ khó xử lý, vừa thiệt hại cho công ty vừa mất luôn tình cảm. Để giải quyết bài toán này vẫn có cách trong trường hợp sử dụng người trong gia đình hoặc nhân vật được gởi gắm không thể không nhận (chăc bài viết khác).
· Thiết lập hệ thống – chính sách: (điểm 3/5)
Việc liên tục loay hoay với ứng phó thời khởi nghiệp, khả năng thực chiến rất cao, nhưng về thiết lập hệ thống và chính sách của Lưu Bị cũng chỉ là mức độ khá mà thôi.
Một phần cũng do không chuyên quyền như Tào Tháo, mặc lợi ích khác giúp Lưu Bị không phải lo về việc thiết lập hệ thống chính sách là vì bên cạnh Lưu Bị sau này có nhiều sao như Khổng Minh, Bàng Thống, Pháp Chính, Nghiêm Nhan, Phí Vĩ … đã thiết lập hệ thống rất tốt rồi.
Điểm mạnh của Lưu Bị là sử dụng chiêu bài PR chính thống Hán thất để nói lên tính chính danh của tập đoàn Thục Hán. Khi phục vụ trong tập đoàn này các bạn mang danh nghĩa chính thức, “đứng về chính nghĩa”.
Và Lưu Bị cũng không can thiệp vào chính sách nhiều, như việc Tào Tháo, vì Tào Tháo chính tay viết luật thì cũng dễ chính tay sửa luật. Nên có thể nói tập đoàn Thục của Lưu Bị “dân chủ” hơn.
· Huấn luyện phát triển đội ngũ – Kế thừa (điểm 2.5/5)
Phần này theo ý chủ quan của tôi chỉ chấm điểm trung bình.
Lưu Bị hoàn toàn không chú trọng đến việc huấn luyện đội ngũ, ngay từ khi khởi nghiệp thì việc phát triển đội ngũ của Lưu Bị cũng mang tính bị động và hên xui, chứ không phải trực tiếp tiến hành có phương pháp hay có chủ đích.
Tôi lấy 1 ví dụ về Đan Phúc (Từ Thứ), cũng từ chuyện xem ngựa bâng quơ và trò chuyện mới nhận xét tài năng chứ đâu phải bản thân Lưu Bị muốn tìm kiếm 1 người nào đó, Khổng Minh sau này cũng do được được tiến cữ và giúp sức bởi Từ Thứ. Còn Tào Tháo muốn kéo Từ Thứ về đó là có mục đích, mặc dù sử dụng chiêu trò ép mẹ Từ Thứ biên thư triệu hồi, nhưng đó là có chủ đích để kéo người tài.
Trong khi Tào Tháo thu phục hàng tướng và sử dụng thì Lưu Bị rất ít chú trọng điều này, thậm chí hàng tướng thuộc loại khủng như Hoàng Trung, Ngụy Diên cũng không được sử dụng nhiều. Rồi cả Mã Siêu nữa cũng chỉ mang danh hiệu trong ngũ hổ tướng nhưng khi về tay Lưu Bị cũng chỉ chấn giữ 1 vùng chứ không còn tung hoành như trước, trong khi đó Quan, Trương, Triệu lại “xài” có vẻ hoang phí, bào mòn có phần ưu ái (nhất là Quang Vũ).
Còn việc xây dựng đội ngũ kế thừa thì kém hơn Tào Tháo nhiều, vì có khả năng Lưu Bị cũng không có nhiều “hạt giống” để lựa chọn như Tào Tháo chăng?
Hay việc giao trọng trách cho Khổng Minh cũng (theo ý tôi), chỉ là hình thức làm màu và “ép” Khổng Minh phải phù tá A Đẩu, vốn được đánh giá kém năng lực.
Bây giờ giả dụ 1 công ty đa quốc gia với vai trò CEO và không nghĩ đến việc cha, truyền con nối, chủ ý là giữ lấy công ty, giữ lấy đà phát triển của doanh nghiệp thì nên “Chính danh” giao vai trò CEO cho Khổng Minh. Thì việc làm ấy có thể cục diện đã khác? Chứ nói theo kiểu “thừa tướng xem thế nào, nếu thấy A Đẩu không ổn thì hãy tự mình làm chủ đất Thục” thì bố Khổng Minh cũng không dám làm điều ấy?
· Tầm nhìn: (điểm 3.5/5)
Lưu Bị có hoài bão và có chí lớn, tất nhiên tầm nhìn cũng không phải dạng vừa, để tồn tại qua giai đoạn khởi nghiệp khá vất vã, cuối cùng cũng đạt được thành tựu đưa tập đoàn lên sàn (hihi), chia 3 thiên hạ (thị trường), cũng là có tầm nhìn.
Một ưu điểm nữa là Lưu Bị giỏi che giấu những “mưu đồ” của mình. Xuyên suốt có những “miếng thịt” rất ngon mà vẫn phải tỏ ra “éo cần” vì lý do đem chuyện “nhân nghĩa” lên làm trọng.
Có đôi lúc thuộc hạ phải biết ý Lưu Bị, và phải “cố ép” để ông ta xơi món đó, vì đại nghiệp chứ không phải vì cá nhân ông ta kém “nhân nghĩa, đạo đức” … phải ép vài lần như vậy ông ta mới chịu xơi. Khác với Tào Tháo, thích là xơi chẳng cần nhân nghĩa quái gì, đơn giản tao thích và tao có đủ lực để làm, vậy thôi.
Trong những thế phải chạy vay vốn, nương nhờ khắp nơi, Lưu Bị vẫn giữ vững mục tiêu của mình, dù biết rằng bây giờ chưa thể làm khác được, các nơi nương nhờ ở đậu ấy chỉ là tạm thời thôi.
Cũng đôi lần ông ta nhận thức rất rõ những hiểm họa, nếu vì lợi trước mắt mà “xơi” thì hậu họa khó lường với xung quanh toàn sói. Đó cũng là tầm nhìn hơn người vậy, chứ người thường mấy trường hợp đói, vả quá thì chơi đại đi chứ còn chờ gì.
· Thực chiến và đọc tình huống, ra quyết định: (điểm 4.5/5)
Với bao năm lăn lộn dưới bao áp lực doanh nghiệp bên bờ phá sản, Lưu Bị mang trong mình rất nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Và tôi đánh giá điểm này là điểm cao nhất của Lưu Bị trong các tiêu chí. Để tồn tại trong khi nguồn lực còn hạn chế, để phải nấp ẩn mình như vậy cho qua khủng hoảng không phải ai cũng làm được, và cuối cùng là đạt được thành tựu chia 3 thị phần cũng là một tài năng trong thực chiến và đọc tình huống, nếu không có khả năng ấy thì doanh nghiệp đã phải phá sản rồi.
Bất kỳ một CEO nào cũng hành động là những chuỗi quyết định của mình. Lưu Bị cũng không ngoại lệ. Chẳng ai có những quyết định đúng 100%, nhìn vào kết quả đạt được thì khả năng ra quyết định của Lưu Bị là đáng kể lắm chứ.
Bao quyết định dám buông, bỏ, nhấp, nhử của Lưu Bị đạt đẳng cấp theo tôi đánh giá cao hơn Tào Tháo.
· Tầm ảnh hưởng: (điểm 4/5)
Tầm ảnh hưởng của Lưu Bị không thể bằng Tào Tháo, có chăng chỉ ảnh hưởng nhiều đến tính chính danh của Thục Hán và gói gọn trong tập đoàn của ông ta.
Sau khi không còn Lưu Bị thì hệ thống Thục Hán vẫn hoạt động. Chưa đánh giá đến phần tốt hơn hay xấu hơn vì phụ thuộc các yếu tố khác. Nhưng thấy rằng chẳng gây ra sự xáo trộn nhiều trong tập đoàn như trường hợp Tào Tháo.
Các “thế lực” tranh giành nhau địa vị, cũng như quyền lợi của tập đoàn Thục khi không còn Lưu Bị cũng không mấy khốc liệt như bên Tào.
Nhìn chung Lưu Bị hạ cánh cũng an toàn, giao được trọng trách cho Khổng Minh phù tá A Đẩu, và dùng tầm ảnh hưởng của mình để nhiệm vụ ấy Khổng Minh không thể thoái thác gì được.
Xét về bình diện đại cuộc thì Lưu Bị chết đi cũng không ảnh hưởng đến cục diện thị trường lúc đó. Vẫn cạnh tranh thế chân vạc.
Nhận xét
Đăng nhận xét