CÁC CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN (SƯU TẦM)

 

VN-Index, VN30-Index và cách tính toán

VN-Index đại diện cho tất cả cổ phiếu niêm yết tại HoSE, còn VN30-Index đại diện cho nhóm 30 mã bluechip đứng đầu.

VN-Index

VN-Index là chỉ số đại diện cho Sở HoSE từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên HoSE.

Chỉ số này được tính theo phương pháp trọng số giá trị thị trường, dựa vào mức độ chi phối của từng cổ phiếu được sử dụng.

VN-Index có giá trị cơ sở ban đầu là 100 điểm, vào ngày cơ sở là ngày đầu tiên thị trường đi vào hoạt động 28/7/2000.

VN-Index được tính theo công thức:

VN-Index = (Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết hiện tại / Tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết cơ sở) x 100

Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu sẽ làm thay đổi giá trị chỉ số, đồng thời được so sánh tăng giảm đối với phiên giao dịch trước bằng %.

Ngoài ra, một số nhân tố khác làm thay đổi cơ cấu số cổ phiếu niêm yết là khi thêm, bớt cổ phiếu giao dịch vào cơ cấu tính toán. Điều này sẽ làm phát sinh tính không liên tục của chỉ số, các trọng số và cơ sở để xác định bình quân thị trường số chia đã thay đổi. Do đó, số chia mẫu số trong công thức tính chỉ số trên phải được điều chỉnh nhằm duy trì tính liên tục cần có của chỉ số.

Theo Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.0 của HoSE cập nhật tháng 11/2020, cácchỉ số (bao gồm VN-Index, VN30-Index, VN Midcap, VN100...)sẽ được tính toán dựa trên phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float.

Chỉ số = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại / Hệ số chia

Trong đó:

CMV - Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại được tính theo công thức:

VN-Index, VN30-Index và cách tính toán

- i=1, 2, 3,..n

- n: Số cổ phiếu trong rổ chỉ số

- pi: Giá cổ phiếu i tại thời điểm tính toán

- si: Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu i tại thời điểm tính toán

- fi: Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu i trong rổ chỉ số tại thời điểm tính toán

- ci: Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hóa (chỉ tiêu này để tránh tình trạng một cổ phiếu đơn lẻ hay một nhóm cổ phiếu có liên quan chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn)

Với mỗi bộ chỉ số, các cấu phần trong công thức sẽ có sự thay đổi hoặc áp dụng những quy tắc tính toán riêng.

Với hệ số chia, trong trường hợp có sự tăng hoặc giảm giá trị vốn hóa thị trường mà nguyên nhân không phải do sự biến động giá thị trường mà do các sự kiện doanh nghiệp hoặc các thay đổi về số lượng cổ phiếu thành phần, số chia cần phải điều chỉnh. Nguyên tắc là làm cho chỉ số trước và sau khi có biến động là bằng nhau.

VN-Index, VN30-Index và cách tính toán - 1

Trong đó:

- Hệ số chia (trước) và CMV (trước) là hệ số chia và giá trị vốn hóa trước khi điều chỉnh

- Hệ số chia (sau) và CMV (sau) là hệ số chia và giá trị vốn hóa sau khi điều chỉnh

VN30-Index

Bên cạnh VN Index, HoSE đã lập và đưa vào sử dụng VN30-Index bắt đầu từ ngày 06/02/2012. Công thức dùng chung với Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index.

Chỉ số này gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất. Ví dụ, tính tới cuối phiên ngày 10/5/2022, nhóm 30 cổ phiếu này có tổng mức vốn hóa thị trường đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của nhóm 30 mã bluechip chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch của sàn.

Theo quy định, vào ngày thứ hai của tuần thứ tư tháng 1 và tháng 7 hàng năm, HSX sẽ thực hiện đổi rổ cổ phiếu của chỉ số VN30-Index.

Các bước để chọn 30 cổ phiếu trong rổ VN30:

- Chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Tuy nhiên các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thuộc Top 5 của thị trường thì chỉ yêu cầu thời gian niêm yết 3 tháng trở lên.

- Loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%.

- Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).

- HoSE xem xét lần cuối cùng trước khi công bố rổ chỉ số mới một tuần trước ngày bắt đầu giao dịch rổ chỉ số mới.

- Công thức tính VN30-Index như sau:

VN30-Index = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại (CMV) / Giá trị vốn hóa thị trường cơ sở (BMV)


ROA, ROE là gì?

ROA và ROE là hai chỉ số cơ bản thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một doanh nghiệp.

ROA

ROA - tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (Return on total assets), là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty.

Công thức: ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Tổng tài sản

ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các công ty, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi công ty qua các năm và so giữa các công ty tương đồng nhau.

Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. Hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn.

Ví dụ nếu công ty A có thu nhập ròng là 10 tỷ đồng, tổng tài sản là 50 tỷ đồng, khi đó tỷ lệ ROA là 20%. Tuy nhiên nếu công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 100 tỷ đồng, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy, cùng mức lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng công ty A hiệu quả hơn.

Các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới tỷ lệ lãi suất mà công ty phải trả cho các khoản vay nợ. Nếu một công ty không kiếm được nhiều hơn số tiền mà chi cho các hoạt động đầu tư, đó không phải là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, nếu ROA mà tốt hơn chi phí vay thì có nghĩa là công ty đang tận dụng tốt đòn bẩy tài chính.

ROE

ROE - tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (Return on common equyty), là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường.

Công thức: ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Vốn cổ phần thường

Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.

Tỷ lệ ROE càng cao chứng tỏ ban điều hành công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, cho nên chỉ số này thường là một tiêu chí quan trọng để xem xét cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.

Việc đánh giá tỷ lệ ROE thế nào là hợp lý sẽ có sự khác nhau của các ngành, lĩnh vực kinh doanh. Đơn cử như với thị trường chứng khoán Việt Nam, mức ROE trung bình của nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp khoảng 8,5%, doanh nghiệp xây dựng và cung cấp vật liệu xây dựng có ROE 11,6%, trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ có tỷ lệ ROE cao hơn đáng kể, ở mức 25,6%. Sự khác nhau này tùy thuộc vào mức độ thâm dụng vốn trong hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận.

Một nguyên tắc chung khi đánh giá doanh nghiệp là hướng tới các công ty có ROE bằng hoặc cao hơn mức trung bình ngành. Ví dụ: công ty A đã duy trì ROE ổn định là 18% trong vài năm qua so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 15%. Nhà đầu tư có thể kết luận rằng ban lãnh đạo của A đã sử dụng đồng vốn của cổ đông hiệu quả để tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình".

Khi tính toán được tỷ lệ này, các nhà đầu tư có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể như sau:

- ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu công ty có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng.

- ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá công ty này có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.


Chỉ số P/B, P/E là gì?

Chỉ số P/B và P/E là công cụ giúp nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.

Chỉ số P/B (Price-to-Book ratio) là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.

Công thức tính như sau:

Giá cổ phiếu
P/B = ----------------------------------------------
Tổng giá trị tài sản – giá trị tài sản vô hình – nợ

Ví dụ: Giả sử một công ty có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 200 tỷ đồng, tổng nợ 150 tỷ đồng, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 50 tỷ. Hiện tại công ty có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 25.000 VND. Nếu giá thị trường của cổ phiếu đang là 75.000 VND, thì P/B của cổ phiếu được tính như sau:

P/B = 75.000/25.000 = 3

Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).

Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Hay, bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.

Công thức tính chỉ số P/E:

Giá thị trường của cổ phiếu
P/E = ----------------------------------------------
Thu nhập trên một cổ phiếu

Ví dụ: Giả sử giá thị trường tại thời điểm 31/12/2020 của cổ phiếu X là 22.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2.000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu X là 11.

Đối với các nhà đầu tư, P/B và P/E đều là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.

Nếu cổ phiếu của một doanh nghiệp có thị giá thấp hơn giá trị ghi sổ (P/B < 1), về mặt lý thuyết, bạn có thể mua tất cả cổ phiếu đang lưu hành của công ty, thanh lý tài sản và kiếm được lợi nhuận vì tài sản ròng có giá trị cao hơn vốn hóa cổ phiếu.

Nhưng không hẳn lúc nào điều này cũng là món hời. Một cổ phiếu duy trì P/B<1, có thể thị trường đang nghĩ rằng giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức.

Tuy nhiên, cũng có thể doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách tăng lên, tốc độ tăng nhanh hơn thị giá cổ phiếu. Lúc này, có thể thị trường chưa đánh giá đúng giá trị công ty, cổ phiếu có tiềm năng tăng giá.

Với doanh nghiệp có chỉ số P/B ở mức cao, điều này có thể do thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị sổ sách doanh nghiệp.

Chỉ số P/B chỉ thực sự có ích khi nhà đầu tư xem xét các doanh nghiệp có mức độ tập trung vốn cao hoặc các công ty tài chính, bởi giá trị tài sản của các công ty này tương đối lớn.

Với P/E, nếu chỉ số này cao, điều này có thể là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.

Nhưng ngược lại, cũng có khả năng thị giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh so với tốc độ tăng của hoạt động kinh doanh, dẫn tới P tăng nhanh hơn E, đẩy tỷ lệ này lên cao. Trong trường hợp này, có thể giá cổ phiếu đã bị thổi phồng quá mức.

ROIC là gì?

ROIC là một trong những chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư xem xét doanh nghiệp khi tìm cố phiếu có chất lượng cao.

ROIC được viết tắt từ tiếng Anh: Return on Invested Capital, có nghĩa Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư. Đây là một chỉ số tài chính đo lường tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà một công ty kiếm được trên vốn đầu tư, đại diện cho việc công ty đó đã sử dụng vốn hiệu quả như thế nào, thường được biểu thị giá trị trong 12 tháng.

Ví dụ: Một nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp A với số vốn là 100 triệu, chỉ số ROIC = 10%. Nghĩa là nhà đầu tư A sẽ thu về được 10 triệu tiền lợi nhuận trên 100 triệu vốn đầu tư trong một năm.

Nhà đầu tư sử dụng chỉ số ROIC để xem xét khả năng sinh lời của doanh nghiệp, từ đó ra quyết đinh đầu tư hay không. Ảnh: The Balance

Nhà đầu tư sử dụng chỉ số ROIC để xem xét khả năng sinh lời của doanh nghiệp, từ đó ra quyết đinh đầu tư hay không. Ảnh: The Balance

ROIC là một KPI rất quan trọng có thể đóng vai trò là "bằng chứng" cho thấy ban lãnh đạo có năng lực và có thể dựa vào đó để theo đuổi và tận dụng các cơ hội sinh lời. ROIC càng cao thì doanh nghiệp đó càng kinh doanh sinh lời hiệu quả.

Công thức tính ROIC

ROIC là gì? - 1

hoặc cách tính khác:

ROIC là gì? - 2

Trong đó:

Lợi nhuận sau thuế (Net Operating Profit After Taxes – NOPAT) là thước đo để đánh giá tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư (cổ đông) và chủ nợ sẽ biết chính xác tình trạng lời lỗ của công ty. Trong công thức tính ROIC, mọi người nên dùng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ. Vì đây là lợi ích thực tế cuối cùng, thuộc về công ty mẹ, nơi nhà đầu tư đang tìm hiểu để đầu tư mua cổ phiếu. Việc này cũng lọc được trường hợp công ty mẹ nắm quyền biểu quyết đa số nhưng chỉ nhận lợi ích thiểu số.

Vốn đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động được để phát triển công ty cũng như vận hành các hoạt động hàng ngày. Công thức tính vốn đầu tư:

Vốn đầu tư = Vốn chủ hở hữu + Nợ - Tiền và các khoản tương đương tiền

Ví dụ: Phân tích chỉ số ROIC của cổ phiếu F. dựa theo số liệu công bố trên báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn F.

ROIC là gì? - 3

Tập đoàn này báo lãi sau thuế 5.349 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của Cổ đông Công ty mẹ là 4.337 tỷ đồng.

Phần vốn đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ, vay trừ đi tiền mặt và các khoản tương đương tiền là: 21.415 + 17.799 + 2.296 – 5.418 = 36.092 tỷ đồng.

Tập đoàn F. có chỉ số ROIC: 4.337/36.092 x 100% = 12%

Chỉ số ROIC bao nhiêu là tốt?

Nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số ROIC để sàng lọc cổ phiếu đầu tư tiềm năng. Nếu doanh nghiệp có chỉ số ROIC tăng liên tục theo từng năm và luôn ở trên mức 10% (trong điều kiện lãi suất gửi ngân hàng khoảng 7%) thì có thể đầu tư.

Tuy nhiên, để đánh giá được chỉ số ROIC tốt hay không, nhà đầu tư nên so sánh với chỉ số WACC - chi phí vốn bình quân gia quyền.

- ROIC lớn hơn WACC, có nghĩa lợi nhuận lớn hơn chi phí, nên đầu tư.

- ROIC nhỏ hơn WACC, tức là lợi nhuận mang về không đủ cho chi phí sử dụng, nhà đầu tư có thể bỏ qua cổ phiếu của doanh nghiệp này

Tỷ lệ free float là gì?

Free float là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Tỷ lệ free float được tính theo công thức như sau:

f = (Khối lượng cổ phiếu lưu hành - Khối lượng cổ phiếu không tự do chuyển nhượng)/Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Thực tế, phần lớn cổ phiếu đều có thể chuyển nhượng tự do. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, cổ phiếu không được giao dịch tùy ý.

- Cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật: phát hành cho cổ đông sáng lập, phát hành riêng rẻ dưới 100 nhà đầu tư, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng của doanh nghiệp FDI khi chuyển sang công ty cổ phần và các trường hợp hạn chế chuyển nhượng khác theo quy định.

- Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông nội bộ công ty và người có liên quan

- Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông chiến lược

- Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông nhà nước

- Cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông lớn, ngoại trừ nắm giữ của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán) và quỹ đầu tư chứng khoán. Khi cổ đông lớn nắm giữ tỷ lệ dưới 4% mới không bị hạn chế chuyển nhượng.

Tỷ lệ free float được ứng dụng để tính vốn hóa thị trường điều chỉnh. Do chỉ số này chỉ bao gồm những mã cổ phiếu được giao dịch tự do trên thị trường chứng khoán nên có thể phản ánh tình hình thực tế chính xác hơn so với giá trị vốn hóa gốc.

Một mã cổ phiếu có tỷ lệ free-float thấp đồng nghĩa rằng nó có khả năng biến động lớn, vì chỉ có một lượng cổ phiếu hạn chế có sẵn để mua và bán. Điều này cũng đi kèm với rủi ro lớn hơn khi giá cổ phiếu có thể dễ bị thao túng.

Quy tắc về làm tròn tỷ lệ free float như sau:

- Nếu tỷ lệ free float <15%, làm tròn theo bước 1%. Ví dụ, cổ phiếu A có tỷ lệ free float là 13,55% sẽ được làm tròn lên thành 14%.

- Nếu tỷ lệ free float lớn >15%, làm tròn theo bước 5%. Ví dụ, cổ phiếu B có tỷ lệ free float là 36,55% sẽ được làm tròn lên thành 40%.


Fibonacci trong chứng khoán là gì?

Chỉ báo Fibonacci được sử dụng để xác định các ngưỡng quan trọng trong quá trình di chuyển của giá tài sản.

Fibonacci là một chỉ báo trong phân tích kỹ thuật có nguồn gốc từ một lý thuyết toán học của Leonardo Fibonacci từ thế kỷ 12.

Theo lý thuyết này, Fibonacci là một chuỗi các số bắt đầu từ 0, 1 với quy luật số phía sau là tổng của 2 số đứng liền trước. Dãy số Fibonacci: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610, ....

Từ dãy số Fibonacci người ta đã tìm ra tỷ lệ vàng. Đây là tỷ lệ giữa 2 số liên tiếp trong dãy số này, xấp xỉ 1,618. Ví dụ như 13 chia cho 8 hoặc 89 chia cho 55. Hai số liên tiếp càng lớn thì tỷ số này càng tiệm cận tỷ lệ vàng.

Tỷ lệ vàng xuất hiện nhiều trong đời sống như trong thiết kế của kim tự tháp, tranh ảnh, .... Trong đầu tư, người ta vận dụng các con số này để phân tích biến động của thị trường, tìm điểm cắt lỗ chốt lời.

Ngoài ra, một số tỷ lệ quan trọng khác thường được sử dụng từ dãy số Fibonacci là:

- 0,382: được lấy bằng cách chia bất kỳ số nào trong dãy số Fibonacci cho một số cách số đó 1 vị trí về bên phải. Ví dụ: 34 chia 89 hoặc 55 chia 144.

- 0,236: được lấy bằng cách chia bất kỳ số nào trong dãy số Fibonacci cho một số cách số đó 2 vị trí về bên phải. Ví dụ: 21 chia 89 hoặc 55 chia 233.

Có 3 loại Fibonacci thường được dùng:

- Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui)

Chỉ báo Fibonacci thoái lui. Ảnh: TradingView

Chỉ báo Fibonacci thoái lui. Ảnh: TradingView

- Fibonacci Fans (Fibonacci quạt)

Chỉ báo Fibonacci quạt. Ảnh: TradingView

Chỉ báo Fibonacci quạt. Ảnh: TradingView

- Fibonacci Arc (Fibonacci vòng cung)

Chỉ báo Fibonacci vòng cung. Ảnh: TradingView

Chỉ báo Fibonacci vòng cung. Ảnh: TradingView

Trong đó, Fibonacci thoái lui là một trong những công cụ thông dụng nhất do dễ nhận biết ngưỡng hỗ trợ, kháng cự hay điểm ra vào lệnh. Ngoài ra, còn có một số loại Fibonacci nữa như Fibonacci mở rộng, Fibonacci vùng thời gian, Fibonacci hình xoắn ốc, ....

Khi những đợt biến động tăng hoặc giảm mạnh kết thúc, các mức kháng cự và hỗ trợ mới thông thường sẽ xuất hiện gần các ngưỡng tỷ lệ quan trọng đó là: 0,236; 0,382; 0,5; 0,618 và 1.

Khi giá về sát các vùng tỷ lệ quan trọng, không có nghĩa là giá sẽ tự động đảo chiều mà đây chỉ là những vùng tiềm năng để nhà đầu tư cân nhắc đặt lệnh.

Trên nền tảng giao dịch, nhà đầu tư chọn công cụ vẽ Fibonacci và kéo trỏ chuột từ điểm khởi đầu là đỉnh của đợt tăng giá, sau đó chọn điểm kết thúc là chân của đợt tăng. Các tỷ lệ Fibonacci sẽ xuất hiện trên biểu đồ để nhà đầu tư quan sát.

Chỉ báo Fibonacci không đảm bảo rằng giá sẽ phản ứng tốt với những điểm hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng. Việc lựa chọn khung thời gian, đỉnh, đáy để vẽ đường Fibonacci cũng không đơn giản và nó phụ thuộc vào góc nhìn của nhà đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư nên sử dụng kết hợp Fibonacci với các chỉ báo kỹ thuật khác để hạn chế rủi ro.

CAGR là gì?

CAGR là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Compound Annual Growth Rate", có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm.

Đây là thước đo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của khoản đầu tư theo thời gian, có tính đến ảnh hưởng của lãi kép. CAGR thường được sử dụng để đo lường và so sánh hiệu suất trong quá khứ của các khoản đầu tư như quỹ tương hỗ, ETF, cổ phiếu, các dự án, đồng thời dự đoán lợi nhuận dự kiến trong tương lai.

Chỉ số CAGR càng cao thì hoạt động đầu tư càng tốt, đem lại giá trị lợi nhuận cao. Ảnh: The Economic Times

Chỉ số CAGR càng cao thì hoạt động đầu tư càng tốt, đem lại giá trị lợi nhuận cao. Ảnh: The Economic Times

Công thức tính CAGR:

CAGR là gì? - 1

Trong đó, n là số chu kỳ (số năm, số quý hoặc tháng, ngày...)

Thông thường, CAGR càng cao thì hoạt động đầu tư càng tốt, đem lại giá trị lợi nhuận cao. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có khả năng hoàn vốn cao trong thời gian tiến hành thực hiện đầu tư dự án, kết quả này quả thực nhà đầu tư nào cũng mong đợi.

Một doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR doanh thu, lợi nhuận lớn sẽ được đánh giá tốt. Các nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn khi rót vốn mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Ví dụ: Doanh thu của một tập đoàn qua các năm

NămDoanh thu (triệu đồng)Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm
201711.217-
201811.6964,27%
201915.78135%
202013.488-14,5%
20216.772-48.9%
Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm-6,9%
CAGR2,7%

Như vậy, chỉ số tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của tập đoàn trên là 2,7%. Đây là mức khá thấp, cho thấy tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp không tốt. Nhà đầu tư cần cân nhắc thêm việc đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Trong trường hợp chỉ số CAGR quá thấp thì doanh nghiệp cần phải có những sự điều chỉnh kịp thời làm sao cho phù hợp về quy trình cũng như các phương thức hoạt động của dự án.

Tuy nhiên, CAGR cũng có một số hạn chế do chỉ dựa trên giá trị đầu và cuối, có thể bỏ qua sự biến động tạm thời mà đưa ra một bức tranh tăng trưởng ổn định.

Do đó, nhà đầu tư nên kết hợp với nhiều chỉ số và yếu tố phân tích khác để đánh giá tiềm năng đầu tư. Cụ thể, trước khi quyết định đầu tư cổ phiếu của một doanh nghiệp, bên cạnh chỉ số CAGR, nhà đầu tư cần xem xét thêm các chỉ số khác như ROE, ROA, khả năng thanh toán nợ từ dòng tiền, chỉ số thanh toán nhanh... để nắm được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiềm năng cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Đối với các khoản đầu tư qua quỹ tương hỗ, ETF hoặc các dự án, danh mục đầu tư khác, nhà đầu tư cần xem xét thêm về thương hiệu, định vị của các quỹ đó trên thị trường, mức độ chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý quỹ, chi phí của các quỹ tương hỗ...

CAGR khi kết hợp với các số liệu và công cụ phân tích khác có thể cung cấp cho nhà đầu tư bức tranh tốt về các khoản đầu tư hoặc danh mục đầu tư mà họ đang xem xét.

Chỉ số S&P 500 là gì?

S&P 500 được coi là chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ, phần nào phản ánh sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

S&P 500 là chỉ số chứng khoán được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ. Tên đầy đủ của chỉ số này là Standard & Poor’s 500 Stock Index.

Vốn hóa của 500 cổ phiếu có trong chỉ số này chiếm tới 70% thị trường chứng khoán trong nước. S&P 500 được ra đời với mục đích cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin tổng quan về sự chuyển động chung của thị trường chứng khoán Mỹ.

Những tập đoàn quen thuộc được nhiều người biết khi nhắc tới S&P 500 có thể kể đến như Facebook, Apple, Microsoft, Amazon, AT&T, Google, General Electric, Johnson & Johnson, ....

Để được chọn vào danh sách của S&P 500, sẽ luôn có một hội đồng chịu trách nhiệm quyết định xem một công ty đại chúng có đáp ứng đủ điều kiện hay không.

Hội đồng sẽ tiến hành đánh giá công ty để xếp vào nhóm chỉ số S&P 500 dựa trên một số tiêu chí như sau:

- Vốn hóa thị trường đạt mức quy định (Mức này có thể được thay đổi hàng năm).

- Công ty có trụ sở ở Mỹ.

- Số lượng cổ phiếu phát hành cho công chúng (50% cổ phiếu của công ty phải do công chúng nắm giữ).

- Phải đạt số lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày theo quy định (tính trong 6 tháng trước khi đưa vào danh sách).

- Hiệu quả tài chính của công ty trong thời gian gần đây.

- Thời gian niêm yết giao dịch.

Để tính giá trị của chỉ số S&P 500, người ta lấy tổng giá trị vốn hóa thị trường của 500 cổ phiếu chia cho một ước số. Mặc dù, tổng vốn hóa của 500 công ty được công bố công khai trên trang web của Standard & Poor's, giá trị của ước số lại được giữ bí mật.

Ước số sẽ được điều chỉnh trong một số trường hợp như phát hành cổ phiếu, chia tách công ty hoặc những thay đổi về cơ cấu công ty, để đảm bảo rằng những sự kiện này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số cuối cùng.

Trên thực tế, thành phần các cổ phiếu thuộc nhóm S&P 500 không cố định mà sẽ được đánh giá định kỳ để loại bỏ hoặc thêm các cổ phiếu mới phù hợp với tiêu chí đánh giá. Thông thường, hoạt động đánh giá sẽ được tổ chức hàng quý, vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hàng năm.

Sau đợt đánh giá tháng 6 vừa qua, cơ cấu các ngành trong S&P 500 lần lượt là Công nghệ thông tin (26,8%), Chăm sóc sức khỏe (15,1%), Tài chính (10,8%), Hàng tiêu dùng không thiết yếu (10,5%), Dịch vụ truyền thông (8,9%), Công nghiệp (7,8%), Hàng tiêu dùng thiết yếu (7,0%), Năng lượng (4,4%), Dịch vụ công cộng (3,1%), Bất động sản (2,9%), Vật liệu (2,6%).

CƠ CẤU CỔ PHIẾU THEO NGÀNH TRONG S&P 500Tính đến đợt đánh giá tháng 6/2022Công nghệ thông tinCông nghệ thông tinChăm sóc sức khỏeChăm sóc sức khỏeTài chínhTài chínhHàng tiêu dùng không thiết yếuHàng tiêu dùng không thiết yếuDịch vụ truyền thôngDịch vụ truyền thôngCông nghiệpCông nghiệpHàng tiêu dùng thiết yếuHàng tiêu dùng thiết yếuNăng lượngNăng lượngDịch vụ công cộngDịch vụ công cộngVật liệuVật liệuBất động sảnBất động sảnVnExpress | S&P Global

Hiện nay, S&P 500 được đánh giá là chỉ số có tính khách quan, mang tính đại diện cho thị trường nên nhiều nhà đầu tư sử dụng làm thước đo để so sánh hiệu suất danh mục đầu tư của họ.

Nhà đầu tư nên theo dõi S&P 500 do đây là chỉ số quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ - cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, và phần nào phản ánh các chính sách kinh tế của quốc gia này.

Đường MACD là gì?

MACD là chỉ báo kỹ thuật thông dụng khi phân tích chứng khoán, phản ánh biến động và cung cấp tín hiệu mua bán của thị trường.

Đường MACD (Moving Average Convergence Divergence) hay còn được gọi là đường trung bình động hội tụ phân kỳ. Đường MACD ra đời từ năm 1979 bởi nhà phát minh Gerald Appel. Đây được coi là một trong những chỉ báo kỹ thuật phổ biến và thông dụng trong phân tích đầu tư chứng khoán.

MACD là giá trị tìm được khi lấy đường trung bình động (EMA) 12 ngày trừ đi đường trung bình động 26 ngày.

MACD = EMA (12) – EMA (26)

Theo đó, nếu giá trị trung bình trượt 12 ngày lớn hơn giá trị trung bình trượt 26 ngày thì MACD dương. Ngược lại, nếu giá trị trung bình 12 ngày nhỏ hơn giá trị trung bình 26 ngày thì MACD âm.

Khi phân tích, bên cạnh đường MACD cơ bản còn có đường tín hiệu. Đường tín hiệu sẽ là đường trung bình động EMA 9 ngày của MACD. Sử dụng kết hợp phân tích đường tín hiệu với đường MACD có thể giúp phát hiện các điểm ra và điểm vào của thị trường.

Nếu đường MACD giao với đường tín hiệu từ dưới lên sẽ báo hiệu giá sẽ tăng hơn mức hiện tại. Đây là tín hiệu để các nhà đầu tư cân nhắc mua vào.

Nếu đường MACD vượt đường tín hiệu từ trên xuống báo hiệu giá đang trên đà giảm. Khi này các nhà đầu tư cân nhắc vào lệnh bán.

Thông thường, đường MACD được thể hiện bằng màu xanh, còn đường tín hiệu được thể hiện bằng màu đỏ.

Đường MACD (màu xanh) đi xuống dưới đường tín hiệu (màu đỏ).

Đường MACD (màu xanh) đi xuống dưới đường tín hiệu (màu đỏ).

Biểu đồ MACD cũng có thể cung cấp tín hiệu qua sự phân kỳ/hội tụ giữa đường MACD và diễn biến giá của chứng khoán.

Thường thì khi giá cổ phiếu đi lên thì đường MACD cũng đi lên và ngược lại. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, khi đó sẽ xảy ra phân kỳ hoặc hội tụ.

Nếu giá cổ phiếu đang trong xu hướng đi lên nhưng đường MACD đi xuống, như biểu đồ ở dưới đây, 2 đường màu đỏ đi theo 2 hướng xa nhau, đó gọi là phân kỳ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra phân kỳ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra phân kỳ.

Điều này cảnh báo cổ phiếu có khả năng đảo chiều từ tăng giá sang giảm giá, nhà đầu tư cân nhắc việc bán cổ phiếu khi phân kỳ xảy ra.

Ngược lại, nếu giá cổ phiếu đi xuống nhưng đường MACD đi lên, 2 đường màu xanh đi theo hướng gần nhau, đây được gọi là hội tụ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra hội tụ.

Xu hướng giá và đường MACD tạo ra hội tụ.

Đây là tín hiệu cổ phiếu có thể đảo chiều từ giảm giá sang tăng giá, nhà đầu tư xem xét mua cổ phiếu khi hội tụ xảy ra.

Tuy nhiên, bất cứ một kỹ thuật hay chỉ báo phân tích nào cũng sẽ có những ưu nhược điểm, và chỉ số MACD cũng không ngoại lệ. Chỉ báo MACD không phải lúc nào cũng chính xác và có thể cung cấp tín hiệu sai lệch và gây nhầm lẫn.

Để sử dụng được hiệu quả và thành thạo biểu đồ MACD yêu cầu nhà đầu tư nên linh hoạt với thị trường, cập nhật nhanh chóng cũng như biết được khung thời gian nào hợp lý để MACD hoạt động hiệu quả nhất.

Hơn nữa, nhà đầu tư có thể sử dụng kết hợp MACD với các chỉ báo khác để giảm rủi ro và xác nhận thêm các tín hiệu.

Chỉ báo Parabolic SAR là gì?

Parabolic SAR là một chỉ báo giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua, bán cổ phiếu đúng đắn để sinh lời trong thị trường biến động tăng hoặc giảm.

Chỉ báo SAR (viết tắt của "Stop and Reverse") do J. Welles Wilder phát triển nhằm dự đoán sự kết thúc và đảo chiều của một xu hướng tăng giá hoặc giảm giá của một tài sản như cổ phiếu. Nhà đầu tư sử dụng Parabolic SAR như công cụ xác định tín hiệu thích hợp để bán ra, mua vào.

Parabolic SAR thường được biểu thị trong biểu đồ của cổ phiếu dưới dạng một tập hợp các dấu chấm và đặt gần đồ thị giá. Khi giá của cổ phiếu tăng lên, các đường chấm cũng tăng theo. Nhịp độ phụ thuộc vào xu hướng.

Khi những dấu chấm này nằm trên đường giá cổ phiếu, nó dự báo một xu hướng giảm, là một tín hiệu bán ra. Khi các dấu chấm di chuyển xuống dưới giá, chỉ báo cho thấy xu hướng tăng giá của cổ phiếu, là tín hiệu nên mua vào.

Nhà đầu tư dựa vào chỉ báo Parabolic SAR để quyết định mua/bán phù hợp trong thị trường biến động với xu hướng tăng hoặc giảm kéo dài.

Nhà đầu tư dựa vào chỉ báo Parabolic SAR để quyết định mua/bán phù hợp trong thị trường biến động với xu hướng tăng hoặc giảm kéo dài.

Nhà đầu tư có thể dựa vào sự thay đổi hướng của chỉ báo Parabolic SAR để ra quyết định mua vào hoặc bán ra. Tuy nhiên, chỉ báo này chỉ hoạt động tốt nhất trong thị trường có xu hướng với các đợt tăng hoặc giảm giá kéo dài, không chính xác khi giá cổ phiếu đi ngang (sideway).

Cách tính Parabolic SAR

Parabolic SAR sử dụng giá cao nhất và thấp nhất cũng như hệ số gia tốc để xác định vị trí điểm chỉ báo SAR sẽ được hiển thị. Công thức của Parabolic SAR như sau:

Xu hướng tăng: PSAR = SAR hiện tại + AF(EP - SAR hiện tại)

Xu hướng giảm: PSAR = SAR hiện tại - AF(SAR trước - EP)

Trong đó:

EP: điểm cực trị (mức cao nhất xu hướng tăng hoặc mức thấp nhất xu hướng giảm)

AF: hệ số gia tốc (Trong các nền tảng để giá trị mặc định là 0.02. Giá trị này tăng 0.02 mỗi khi có EP mới, tuy nhiên giới hạn tối đa là 0.2)

Kết quả thu được tạo ra đường chấm, bên dưới hoặc bên trên đường giá, giúp xác định xu hướng của giá. Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số phần mềm ưu việt giúp nhà đầu tư tính toán chỉ số Parabolic SAR một cách nhanh chóng và chính xác.

Ưu và nhược điểm của Parabolic SAR

Lợi ích khi sử dụng Parabolic SARNhược điểm

- Giúp xác định xu hướng lên xuống của giá.

- Đưa ra các tín hiệu tốt trong thị trường có xu hướng tăng, giảm rõ rệt

- Chỉ báo cho các tín hiệu thoát lệnh khi một đảo chiều có thể xảy ra

Parabolic SAR tạo ra các tín hiệu sai khi thị trường bắt đầu đi ngang. Do không có biến động, chỉ báo sẽ di chuyển qua lại xung quanh thanh giá và điều này tạo ra các tín hiệu sai lệch.

Các chỉ báo khác bổ sung cho Parabolic SAR

Các chỉ báo khác bổ sung cho PSAR bao gồm các đường trung bình động (MA) và biểu đồ hình nến. Ví dụ: khi giá tài sản giảm xuống dưới đường trung bình động dài hạn, nó xác nhận tín hiệu bán được tạo ra bởi Parabolic SAR. Nếu giá nằm trên đường trung bình động, hãy tập trung vào các tín hiệu mua.

Wilder cũng khuyến nghị nhà đầu tư sử dụng thêm các chỉ báo khác để xác định xu hướng giá cổ phiếu như chỉ báo xung lượng (MOM) đo tốc tộ thay đổi giá, chỉ số định hướng trung bình (ADX) để xác nhận sức mạnh của xu hướng hiện tại.

Để ngăn ngừa những rủi ro, các nhà giao dịch chỉ nên giao dịch theo hướng của xu hướng chủ đạo và tránh giao dịch khi thị trường sideway.

NAV trong chứng khoán là gì?

NAV là một trong những chỉ số chính để đánh giá kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư.

NAV (Net Asset Value) có nghĩa là giá trị tài sản thuần, được tính bằng tổng giá trị các tài sản trừ đi tổng giá trị các khoản nợ phải trả.

Ví dụ, nếu một công ty có tổng tài sản là 100 tỷ đồng và có khoản nợ phải trả là 10 tỷ đồng, thì có nghĩa rằng NAV của công ty đó sẽ là 90 tỷ đồng.

Về cơ bản, bất kỳ thực thể kinh doanh hoặc sản phẩm tài chính nào liên quan đến các khái niệm kế toán về tài sản và nợ phải trả đều có thể xác định được NAV.

Tuy nhiên, giá trị NAV được sử dụng phổ biến nhất đối với các quỹ đầu tư (quỹ mở và ETF). Trong trường này, NAV được xác định bằng cách lấy chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả chia số số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành.

NAV = (Tổng tài sản - Nợ phải trả) / Tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành

Theo đó, nếu như một quỹ đầu tư có tổng tài sản là 100 tỷ đồng và có khoản nợ phải trả là 30 tỷ đồng, số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành là 5 triệu đơn vị, thì NAV của quỹ đầu tư này là 14.000 đồng.

Bởi tài sản và nợ của các quỹ đầu tư luôn thay đổi theo từng ngày, do đó giá trị NAV luôn có sự biến động. Hầu hết quỹ đầu tư đều công bố thay đổi NAV trên website của mình hàng ngày và báo cáo định kỳ.

Chỉ số NAV giúp nhà đầu tư nhìn được hiệu suất hoạt động của mỗi quỹ đầu tư. Từ đó nhận định được tình hình phát triển của quỹ đó có tăng trưởng tốt hay không.

Về cơ bản, giá của chứng chỉ quỹ của mọi quỹ được định giá ban đầu như nhau. Chúng đều có mệnh giá 10.000/chứng chỉ quỹ. Theo thời gian hoạt động, chỉ số NAV của mỗi quỹ sẽ có những biến động khác nhau. Cũng vì vậy, chỉ số NAV phần nào ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn quỹ của nhà đầu tư.

Mặt khác, phải hiểu rằng nếu chỉ đánh giá trên NAV để lựa chọn quỹ đầu tư sẽ không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đánh giá tổng quát hơn từ lịch sử hoạt động của từng quỹ đầu tư, các tài sản đầu tư quỹ đang nắm giữ, kinh nghiệm của ban quản lý quỹ, kế hoạch đầu tư tương lai, ....

Phân tích CapEx trong đầu tư cổ phiếu

CapEx là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hoạt động kinh doanh, được ứng dụng trong phân tích và lựa chọn cổ phiếu doanh nghiệp.

CapEx là từ viết tắt của Capital Expenditure, có nghĩa là chi phí vốn. Đây là khoản chi phí doanh nghiệp bỏ ra để mua mới hoặc nâng cấp giá trị cho tài sản cố định (như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, tòa nhà, đất đai...), đôi khi có thể là tài sản vô hình (bằng sáng chế, giấy phép).

Hai hình thức chi phí vốn gồm duy hoạt động hiện tại trong công ty và có thể giúp tăng trưởng trong tương lai. CapEx thường là những khoản chi một lần, do Hội đồng quản trị phê duyệt. Các giao dịch CapEx thực hiện trong năm được trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty.

CapEx có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính ngắn hạn và dài hạn của một công ty, tổ chức. Do đó, việc đưa ra các quyết định CapEx có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Nhiều nơi cố gắng duy trì mức chi phí từ những năm trước, hoặc giảm bớt, trong khi duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định, để các nhà đầu tư thấy sự chú trọng đầu tư vào sự phát triển của doanh nghiệp. Công ty sử dụng càng ít lợi nhuận hàng năm cho CapEx càng có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn.

Cách tính CapEx:

CapEx = Tiền chi mua TSCĐ và tài sản dài hạn khác - Tiền thu từ thanh lý TSCĐ

Phân tích CapEx trong đầu tư cổ phiếu

Ví dụ: Năm 2021, Doanh nghiệp B chi 63 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và không có khoản thu từ thanh lý. Như vậy, CapEx = 63 - 0 = 63 tỷ đồng. Khoản chi này đã giảm đáng kể 63% so với cùng kỳ (107 tỷ đồng).

Việc mua mới, nâng cấp hoặc sửa chữa tài sản cố định sẽ làm tăng phần nguyên giá tài sản cố định trên Bảng cân đối kế toán (BCĐKT):

Phân tích CapEx trong đầu tư cổ phiếu - 1

Nhà đầu tư dựa vào tổng CapEx mà doanh nghiệp đã sử dụng trong khoảng thời gian 5 - 10 năm và so sánh với tổng lợi nhuận sau thuế trong cùng khoảng thời gian đó.

Nếu tổng CapEx nhỏ hơn 50% lợi nhuận sau thuế, đây là dấu hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp có thể có lợi thế cạnh tranh.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hơn nửa (50%) lợi nhuận sau thuế để chi mua, đầu tư tài sản cố định, nhà đầu tư cần cân nhắc khi quyết định đầu tư, vì doanh nghiệp đang thâm dụng vốn, bào mòn lợi nhuận trong thời gian dài.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ dòng tiền trên chi phí vốn (CFO/CapEx) để đánh giá hiệu quả sử dụng dòng tiền của công ty. Tỷ lệ này đại diện cho số tiền mà một công ty có sẵn để mua tài sản vốn.

Phân tích CapEx trong đầu tư cổ phiếu - 2

Nếu tỷ lệ CFO/CapEx lớn hơn một, có nghĩa công ty có đủ tiền để mua tài sản vốn, đảm bảo tính thanh khoản cho công ty.

Phân tích CapEx thường thích hợp với những mô hình kinh doanh thâm dụng vốn (capital intensive), đó là những công ty công nghiệp sản xuất, tiện ích, dầu khí, vận tải,... vì mô hình của họ phụ thuộc lớn vào đầu tư tài sản cố định để tạo ra doanh thu. Do đó, chi phí đầu tư CapEx của họ chiếm phần lớn trên tổng chi phí.

Chỉ số EPS là gì?

EPS (Earnings per share), là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu thông thường đang được lưu hành ở trên thị trường.

EPS là một trong nhiều chỉ số được nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn cổ phiếu, dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận của một công ty (hay dự án đầu tư) cũng như đánh giá về sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

EPS được tính bằng cách chia thu nhập ròng mà công ty kiếm được trong một kỳ báo cáo (quý hoặc năm) với tổng số cổ phiếu hiện đang được lưu hành của công ty trong cùng kỳ. Vì số cổ phiếu đang lưu hành có thể dao động, nên khi tính toán, việc sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ sẽ đem lại kết quả chính xác hơn.

EPS chia làm 2 loại, bao gồm EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS), có công thức tính khác nhau:

EPS cơ bản:

Chỉ số EPS là gì?

EPS pha loãng:

Chỉ số EPS là gì? - 1

Ví dụ, lợi nhuận sau thuế công ty A năm 2021 là 431 tỷ đồng. Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu lưu hành trong kỳ của công ty A là 41,7 triệu cổ phiếu. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là khoảng 10.335 đồng.

Công ty dự kiến phát hành thêm 43 triệu cổ phiếu, khi đó, EPS pha loãng còn khoảng 5.089 đồng.

Nếu các nhà đầu từ chỉ quan tâm đến chỉ số EPS cơ bản, bỏ qua việc dự đoán EPS pha loãng trong tương lai có thể dẫn đến những quyết định chưa chính xác. Vậy nên, báo cáo kết quả kinh doanh của công ty luôn cần đến hai chỉ số là EPS cơ bản và EPS pha loãng.

EPS cơ bản và EPS pha loãng được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất của một công ty.

EPS cơ bản và EPS pha loãng được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất của một công ty.

Trên thực tế, nhà đầu tư có thể tìm chỉ số EPS của doanh nghiệp qua Báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp (công ty cổ phần).

Một doanh nghiệp có EPS tăng ổn định trong vòng nhiêu năm thì được đánh giá là một doanh nghiệp có nền tảng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ căn cứ vào EPS làm một thước đo tài chính duy nhất mà tham khảo kết hợp với việc phân tích các chỉ số khác. Trong đó, nổi bật nhất là các chỉ số như P/E (tỷ lệ giá theo thu nhập), ROA (tỷ suất sinh lời trên tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), tỷ số thanh toán bằng tiền mặt, tỷ số thanh toán nhanh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dựa theo nội dung cuốn sách THE DIP - VÙNG TRŨNG của Seth Godin.

16 TUÝP NGƯỜI TRONG TỔ CHỨC

9 MÔ HÌNH CHIẾN LƯỢC CHO DOANH NGHIỆP - BÀI 3: MÔ HÌNH 3 - PHÂN TÍCH SWOT