KHỔNG MINH

Đỗ Ngọc Minh

Luận Tam Quốc cho vai trò CEO - Phần 6 - Khổng Minh




Gia Cát Lượng tự Khổng Minh là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181) thời Hán Linh Đế.
Gia đình Gia Cát Lượng là hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán, cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng chết khi Gia Cát Lượng còn nhỏ. Gia Cát Khuê sinh được ba người con trai là Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân. Do cha mất sớm, Gia Cát Lượng theo chú là Gia Cát Huyền làm Dự Chương thái thú cho Viên Thuật. Gia Cát Huyền dẫn Lượng cùng em trai ông là Gia Cát Quân đến nhậm chức. Gặp lúc Hán triều cử người khác đến thay Huyền, nên ông qua Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, vốn là chỗ quen biết cũ. Anh trai của ông là Gia Cát Cẩn tránh loạn đến Giang Đông, gặp lúc Tôn Sách chết, phục vụ cho Tôn Quyền ở Giang Đông.
Khi chú mất, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, thích làm ca từ theo khúc "Lương Phủ Ngâm". Ông có 3 anh em, anh cả Gia Cát Cẩn làm quan bên Đông Ngô, em thứ là Gia Cát Quân làm quan đại thần cho nước Thục Hán cùng với ông, em họ Gia Cát Đản làm quan cho Tào Ngụy. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng, vốn cao tám thước, ông tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.
• Khả năng lãnh đạo: (điểm 4/5)
Với tài năng của mình mặc dù đứng ở vị trí COO thời kỳ sau khi Lưu Bị mất, thì vị trí lãnh đạo của Khổng Minh thực chất đóng vai trò CEO, quyết định hết mọi quyết sách, đối nội và đối ngoại của tập đoàn Thục.
Ngay từ đầu Khổng Minh về với Lưu Bị cũng tỏ rõ vai trò lãnh đạo của mình. Biết rằng ban đầu rất khó thu phục được sự tin tưởng từ các tướng nhất là Quan, Trương trong trận đánh gò Bác Vọng khi đối đầu với quân Tào là Hạ Hầu Đôn chỉ huy, thì Khổng Minh đã mượn kiếm lệnh của Lưu Bị để điều khiển, bố trí các tướng theo hiệu lệnh.
Và khả năng lãnh đạo của Khổng Minh cũng được đánh giá cao qua trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ lúc sơ khai binh lực của Lưu Bị khá yếu phải xây dựng từ sự bấp bênh, ăn nhờ ở đậu. Cho đến khả năng thuyết phục liên minh giữa Thục – Ngô để đánh bại Tào ở Xich Bích.
Qua đến việc củng cố mở rộng địa bàn vào hướng Xuyên Thục cho Lưu Bị.
Thu phục man di Mạch Hoạch cũng nói lên tài lãnh đạo của Khổng Minh, vốn muốn xứ man di này thuần phục bằng thực lòng nên dùng nhân tâm để đối đãi, qua việc 7 lần bắt Mạch Hoạch. Việc này cho thấy tài lãnh đạo của Khổng Minh, thay vì nghe lời cấp dưới cử 1 đại tướng đi đánh bình loạn, việc đó có thể thành công ở khía cạnh giành chiến thắng, nhưng sẽ không thành công trong việc giữ được sự quấy phá sau này.
Sau đó là thời kỳ tìm cách chinh phục Tào để giành lấy vị thế đứng đầu, tiếc là trường kỳ chưa thành công thì Khổng Minh đã mất.
• Kiến thức chuyên môn (điểm 5/5)
Mặc dù dưới ngòi bút của La Quán Trung có phần ưu ái về kiến thức chuyên môn của Khổng Minh như việc trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và có cả phép hô phong hoán vũ. Thì cũng không phủ nhận được tài năng của Khổng Minh trong điểm này. Tôi chủ quan cho điểm tối đa.
Và thực chất Khổng Minh cũng để lại những thứ xác thực, như bát trận đồ, một số vũ khí bắn tên liên hoàn, ngựa gỗ… đó cũng là bậc kỳ tài.
Một số quẻ bói theo cách của Khổng Minh cũng được lưu truyền.
Nên có thể nói Khổng Minh rất mạnh trong điểm này so với các người cùng vai trò.
Ngay từ khi chưa gặp Lưu Bị thì Khổng Minh đã vẽ sẵn cái bản đồ chia 3 thiên hạ. Ngày nay việc đó cũng như dự đoán được chiến lược cạnh tranh, đưa ra rõ thị phần của các bên, biết dùng chiến lược lâu dài “Hòa hoãn với Đông Ngô, chiếm lấy Tây Thục làm căn cứ địa, chiêu binh mãi mã, hậu đãi nhân tài, xây dựng lực lượng và cuối cùng là đánh Tào” đây còn gọi là Long Trung quyết sách.
Cho đến việc tinh tường các trận pháp, tức nắm vững các mô hình kinh doanh, các công cụ hỗ trợ. Cộng với khả năng dự tính lường trước, lập kế hoạch xuất sắc của mình thì Khổng Minh luôn chiếm thế thượng phong trong các trận đánh.
Ngoài ra còn am hiểu đối thủ, mạnh ở đâu, yếu ở đâu để khai thác. Như phân tích thế mạnh của Tào ứng với thiên thời, ưu thế của Tôn Quyền ứng với địa lợi, và khuyến khích Lưu Bị áp dụng nhân hòa để đối chọi.
• Quản lý con người (điểm 3.5/5)
Riêng bản thân tôi đánh giá việc quản lý con người của Khổng Minh không tốt bằng các kỹ năng khác.
Tôi xin chỉ ra 3 sai lầm trong cách dùng người của Khổng Minh
- Đưa Quan Vũ nóng tính, cao ngạo giữ lấy Kinh Châu, trong khi đó đây là vùng tranh chấp trực tiếp giữa Thục – Ngô, ngoài ra luôn bị Tào dòm ngó, sẳn sàng chiếm đánh bất cứ lúc nào. Kết quả mất Kinh Châu và Quan Vũ tử trận.
- Tin dùng Mã Tốc, đây vốn là một người giỏi lý thuyết, trong khi bàn bạc và thảo luận với Khổng Minh thì rất tốt, nhưng trong thực chiến và cách vận dụng thì Mã Tốc không ổn. Vậy mà Khổng Minh giao chấn giữ Nhai Đình, một nơi yết hầu để đánh nhau với Tào, kết quả là mất Nhai Đình và phải đành chém Mã Tốc. Bản thân tôi thấy chém Mã Tốc cũng không nên vì rõ ràng đây là việc bố trí sai người, Mã Tốc thiếu kinh nghiệm thực chiến có thể bù đắp vào những lần sau và rèn luyện dần, chứ trong lúc ấy nhân sự bên Thục đang thiếu hụt người.
- Dùng Ngụy Diên không hiệu quả. Theo đánh giá cá nhân tôi Ngụy Diên là một tướng giỏi, thậm chí văn võ toàn tài, chỉ bị một khuyết điểm là bị Khổng Minh đặt ác cảm ngay từ đầu nên không tin dùng hoặc luôn kiểm soát. Dù có lần Ngụy Diên hiến kế hay (đánh Nguỵ từ đường tắt là hang Tý Ngọ để tập kích vào Trường An chứ không đi theo đường chính diện sẽ lâu và lộ liễu) nhưng Gia Cát Lượng vì thành kiến cá nhân nên không nghe theo. Kết quả thực tế cho thấy 6 lần Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn không theo kế của ông lần nào và đều không thành công.
3 ví dụ trên cho thấy cách dùng người của Khổng Minh chưa cao.
Đứng ở vị thế của COO thì Khổng Minh có thể không bao quát hết bộ máy, nên chăng kiếm cho mình 1 Giám đốc nhân sự giỏi để hỗ trợ, đằng này Khổng Minh tự mình ôm lấy, kết quả mắc một số sai lầm đáng tiếc.
• Thiết lập hệ thống – Chính sách: (điểm 4.5/5)
Về việc thiết lập hệ thống, chính sách đây lại là một điểm mạnh của Khổng Minh, nó cũng tương ứng với thế mạnh về lãnh đạo và chuyên môn tuyệt vời.
Khổng Minh xây dựng một hệ thống qui củ, hoạt động có hiệu quả sau khi vào đất Thục.
Cụ thể có một câu chuyện nói lên thiết lập chính sách cho đất Thục, khi vào bình định xong Xuyên Thục, Lưu Bị đối diện với nhiều thách thức do sự nhu nhược và yếu kém của công ty do Lưu Chương làm CEO để lại, tất cả những bộ máy hoạt động kém hiệu quả, luật lệ không được thực thi nghiêm chỉnh. Lúc đó Pháp Chính có nói với Khổng Minh rằng nên thư thả về luật lệ, vì mình còn mới, nên để nhiều sự khoan dung dễ giải thu phục lòng người. Nhưng Khổng Minh nói rằng chính vì nền pháp trị ở đây lỏng lẽo dẫn đến một hệ thống bệ rạc, chẳng theo đường lối gì cả mới thành một công ty yếu kém, giờ phải là lúc xiết chặt tất cả vào kỷ luật thì mới được. Thế là Khổng Minh xây dựng chính sách công ty đâu vào đó, có sự nghiêm minh, có pháp trị, có thưởng, có phạt kết quả là sự lớn mạnh của bộ máy.
• Huấn luyện phát triển đội ngũ – Kế thừa (điểm 3.5/5)
Chính vì dùng người không phải là thế mạnh của Khổng Minh dẫn đến điểm tiêu chí về phát triển đội ngũ kế thừa cũng không được quá cao.
Việc xây dựng đội ngũ kế thừa từ lớp Mã Tốc và Ngụy Diên không được tốt dẫn đến thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng.
Đào tạo một mình học trò Khương Duy là không đủ bù đắp vào lổ hổng ấy.
Với lại xét về khía cạnh chuyên môn Khương Duy giỏi trong việc chinh chiến, đối chọi với quân Tào hơn là việc chính trị nội bộ, nơi rối ren rất nhiều thứ bên trong bộ máy mà Khương Duy tỏ ra non kinh nghiệm ứng phó.
Về mặt này với tính chủ quan của mình tôi đánh giá Ngụy Diên tốt hơn Khương Duy trong việc ổn định “phòng thay đồ”. Mở rộng một chút các HLV bóng đá cho dù chuyên môn giỏi, nhưng không nắm được phòng thay đồ thì cầu thủ làm loạn, dẫn đến những thứ như chiến lược, chiến thuật sẽ không được khai triển và đó sớm muộn gì HLV đó cũng lên đường. Khương Duy thiếu đi độ gấu trong việc này.
Còn lực lượng còn lại cũng chẳng có mấy nhân vật có khả năng gánh vác chung với Khương Duy.
Không còn những tướng kiệt xuất như Ngũ Hổ Tướng nũa (Quan, Trương, Triệu, Mã, Hoàng) thì các lớp kế cận tỏ ra đuối, đến Liêu Hóa thời kỳ Triệu Vân còn tung hoành thì chỉ vài thương đã chiếm thượng phong, trong khi lực lượng đó chỉ có vậy và Liêu Hóa làm đại tướng cho thấy đây là phần yếu của việc xây dựng lớp kế thừa.
Các nhân vật Phí Vĩ, Tưởng Uyển cũng chỉ đảm nhiệm vai trò như các giám đốc chuyên môn tròn vai, dạng như Giám đốc chất lượng ISO, Giám đốc xuất nhập khẩu vậy thôi, chẳng ăn thua gì so với thế mạnh của bên Tào Thị lúc đó.
• Tầm nhìn (điểm 4.5/5)
Đây là một điểm cao của Khổng Minh.
Khi còn ở nhà tranh mà đã phác thảo ra kế hoạch Long Trung quyết sách, đã gộp đủ các yếu tố để có thể thực thi quyết sách ấy chỉ có thể đầu quân cho tập đoàn Thục Thị.
Ta thử phân tích khả năng khác đi. Tại sao Khổng Minh xét về vị trí địa lý rất thuận lợi lại không đầu quân cho Ngô Thị, hơn nữa trong Ngô Thị có sẳn người anh là Gia Cát Cẩn vốn đang phục vụ. Rõ ràng khi vào Ngô Thị thì Gia Cát Lượng cũng nằm dưới Chu Du và chỉ ở tầm mức được sử dụng ngang với Giám đốc nhân sự Trương Chiêu hay khá hơn một chút có thể là giám đốc chiến lược như kiểu Lỗ Túc, nhưng rõ ràng Tôn Quyền có thể không trọng dụng Khổng Minh, vì như đã thấy các vị trí mà Tôn Quyền trọng dụng mang tính an toàn rất cao, có phần dùng những người thân tín và “bà con” hơn là một người xuất thân như Khổng Minh, một phần khác khi nhìn thấy người bạn cũng rất giỏi ngang ngửa mình là Bàng Thống bao nhiêu năm chực chờ cơ hội mà có được đâu.
Vậy tại sao Khổng Minh lại không phục vụ cho Tào Thị, vừa mạnh vì gạo, bạo vì tiền?
Nếu giả dụ Khổng Minh phục vụ cho Tào Thị thì khả năng Tào Thị vốn dẫn đầu và sớm đánh bại hết tất cả các tập đoàn khác sớm là rất cao. Nhưng suy cho cùng ở Tào Thị chỉ là đi làm công ăn lương, mọi quyết sách đều do Tào Tháo chỉ định, chỉ có 1 người ngày trước Tào Tháo còn nghe ý kiến nhiều đã mất chính là Quách Phụng Hiếu, thì so ra khả năng dùng hết tài năng, năng lực của mình là không có đất cho Khổng Minh rồi.
Như vậy mới thấy một CEO giỏi ngoài việc tin tưởng khả năng của mình còn đòi hỏi môi trường đó có giúp mình cất cánh hay không, hay chỉ là một nơi tạm ổn qua ngày.
Mở rộng ra có người tìm nơi phù hợp một môi trường có văn hóa phù hợp với cách thức, tính cách của mình để làm.
Có người sẽ chấp nhận vào một nơi để xây dựng từ đầu văn hóa và khai triển kế hoạch theo cách của mình.
Lại có người giỏi vào để sửa chữa và chắp vá những lỗ hổng của các công ty cho nó lành lặng trở lại để tiếp tục cuộc chiến hoặc thoái vốn chuyển đổi an toàn, đó chính là tái cấu trúc.
Những phân tích trên cho thấy tầm nhìn của Khổng Minh, biết đâu là nơi mình cần, cần mình.
Còn giả dụ chẳng tìm được nơi nào và minh chủ như Lưu Bị thì sao. Thì đành ôm lấy kiến thức và khả năng của mình chôn theo chứ sao nữa. Sẽ có nhiều người thực tế rất giỏi mà lại không gặp được thời, bị những rào cản quá lớn không phát huy được thì chỉ đành an nhàn cuộc sống ruộng vườn, qua ngày với thiên nhiên cây cỏ chứ biết sao. Nhưng cũng nói thêm người giỏi sẽ có cách làm khác cho dù ở hoàn cảnh nào. Giả dụ làm nông như Khổng Minh có thể chế ra phương pháp trồng cây thâm canh, theo nhà kính bố trí diện tích trồng theo chiều thẳng đứng chẳn hạn, hay hệ thống tưới tiêu tự động, dùng trâu gỗ đễ cày … đó cũng là khả năng của người giỏi so với người thường là vậy.
• Thực chiến và đọc tình huống, ra quyết định: (điểm 4/5)
Đây cũng là một điểm khá cao của Khổng Minh, trong thời gian đầu khi mới đầu quân cho Lưu Bị rõ ràng khả năng thực chiến, kinh nghiệm của Khổng Minh chưa được nhiều, và thấy rõ khi Quan, Trương có vẻ nghi ngờ về tài cầm quân của Khổng Minh, không biết có giống cầm cuốc không. Khổng Minh biết rõ chuyện ấy nên đã thực hiện việc mượn lệnh của Lưu Bị để sai khiến, đồng thời bố trí rất kỹ lực lượng, tính toán có kế hoạch để thắng trận đánh Bác Vọng.
Sau đó biết được các diễn tiến của tình hình mà nương theo.
Khi thuyết khách thành công và tham gia trận chiến Xích Bích thì Khổng Minh đã học hỏi rất nhiều ở Chu Du, từ đó kinh nghiệm càng ngày càng phong phú.
Tới khi bình định xong Xuyên Thục thì khả năng thực chiến của Khổng Minh đã được lắp đầy theo thời gian.
Đỉnh cao của thực chiến ấy diễn ra sau đó khi bình định man di Mạch Hoạch, và trường kỳ kháng chiến với Tư Mã Ý, 6 lần ra Kỳ Sơn.
Với khả năng lập kế hoạch và bố trí rất chu đáo của mình gần như việc ra quyết định của Khổng Minh không chút do dự, vì thực tế nó đã nằm trong tính toán hết rồi.
Nói thêm về trường hợp Ngụy Diên đòi đi ngã tắt hang Tí Ngọ đánh úp Hứa Đô, đó là một kế hay, gây ra bất ngờ rất lớn, vừa tốc chiến, vừa đở tốn nguồn lực. Tất nhiên Khổng Minh cũng đánh giá được, nhưng thân mang trọng trách quá lớn, kế hoạch và nguồn lực bố trí cho việc lâu dài thì việc mạo hiểm để giành chiến thắng lúc đó bị Khổng Minh gạt ra và cho trọng số rất thấp.
Mở rộng việc ra quyết định của CEO ngoài tài năng, ngoài kinh nghiệm, sự chuẩn bị cho kế hoạch còn phụ thuộc rất lớn vào tính tình, với 1 CEO kỹ tính thì rất ít có cơ hội cho 1 quyết định mạo hiểm, còn đối với 1 CEO có “máu liều” thì khả năng chấp nhận mạo hiểm cao hơn. Và hơn cả đó chính là trực giác của CEO đối với tình huống ấy. Tôi dám đưa ra nhận xét giả dụ mưu kế ấy không phải do Ngụy Diên đưa ra mà do Triệu Vân chẳng hạn thì khả năng Khổng Minh ra quyết định khác là hoàn toàn có thể.
• Tầm ảnh hưởng: (điểm 4.5/5)
Tầm ảnh hưởng của Khổng Minh lại là một điểm cao nữa.
Khi xét ở góc độ khi còn Khổng Minh thì bộ máy của Thục Thị hoạt động tốt, mặc dù đâu đó vẫn có vấn đề nhưng tài năng và tầm ảnh hưởng của Khổng Minh trên phương diện COO (CEO), cũng đủ để những phát sinh đó chưa đủ lớn làm cho suy yếu bộ máy.
Các thế lực chính trị nội bộ khi còn Khổng Minh cũng không dám có những hành động quá lố, hay trục lợi về phe phái của mình.
Khi không còn Khổng Minh thì tất cả những điều ấy làm Thục suy yếu.
Một số hệ thống và binh pháp tuy rằng Khổng Minh có để lại nhưng thiếu người thực thi nên sẽ không giúp gì nhiều.
Kết quả Thục Thị bị phá sản.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dựa theo nội dung cuốn sách THE DIP - VÙNG TRŨNG của Seth Godin.

16 TUÝP NGƯỜI TRONG TỔ CHỨC

9 MÔ HÌNH CHIẾN LƯỢC CHO DOANH NGHIỆP - BÀI 3: MÔ HÌNH 3 - PHÂN TÍCH SWOT